Phim về nhân vật lịch sử​​​​​​​: Vừa làm…vừa run

VHO- Sau 3 tháng ra mắt, Em và Trịnh, bộ phim về cuộc đời và con đường âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dù đã thành công về mặt doanh thu khi là phim đạt trăm tỉ đồng đầu tiên của năm 2022, thế nhưng vẫn chưa hết những phản ứng trái chiều.

Phim về nhân vật lịch sử​​​​​​​: Vừa làm…vừa run - Anh 1

 Hình ảnh của giáo sư Michiko trong phim “Em và Trịnh”

Mới đây nhất, Giáo sư Michiko Yoshii đã ủy quyền cho luật sư tại Việt Nam gửi thư yêu cầu đơn vị sản xuất phim Em và Trịnh công khai xin lỗi về hành vi phổ biến đến công chúng đời sống riêng tư của nữ giáo sư khi chưa được sự đồng ý của bà.

Nối dài danh sách… không hài lòng

Có lẽ Em và Trịnh là một dự án điện ảnh khá… long đong bởi Covid-19. Sau nhiều lần hoãn và dời lịch chiếu, cuối cùng phim cũng đã ra rạp từ ngày 17.6 vừa qua. Nhiều người chờ đợi, nhiều người kỳ vọng. Nhưng rồi, càng chờ đợi, càng kỳ vọng thì một số khán giả đã cảm thấy hụt hẫng, thất vọng. Thế nhưng, vượt qua những ý kiến trái chiều từ phía người xem, bộ phim Em và Trịnh lại tiếp tục gây ra những tranh luận có phần gay gắt hơn nữa từ chính những nhân vật có thật ngoài đời.

Cụ thể, trong một chương trình trò chuyện đăng tải trên kênh YouTube Coffeerary, luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng cho biết, Giáo sư Michiko, nguyên mẫu của nhân vật Michiko trong phim Em và Trịnh đã yêu cầu nhà sản xuất xin lỗi công khai. Theo Giáo sư Michiko, nhà sản xuất Em và Trịnh chưa bao giờ liên lạc với bà để xin phép trước khi làm bộ phim này. Sau khi Giáo sư Michiko lên tiếng, vào ngày 20.9 phía nhà sản xuất phim là Galaxy Play cũng đã phản hồi rằng sẽ giải quyết vụ việc này dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật và bằng tất cả sự tôn trọng dành cho Giáo sư. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng, do Galaxy Play phản hồi chậm trễ nên bà đã gửi văn bản đến Cục Điện ảnh và các cơ quan quản lý khác để xin ý kiến về hướng hành xử thích hợp cho các bên đối với vụ việc này, để tránh đẩy sự việc đi quá xa. Dẫu vậy, phía Giáo sư Michiko và gia đình vẫn đang chờ đợi lời xin lỗi và gia hạn thêm cho Galaxy Play 10 ngày nữa. Việc Giáo sư Michiko yêu cầu nhà sản xuất phim Em và Trịnh xin lỗi về việc sử dụng hình ảnh, thông tin về bà nhưng không xin phép đã nối dài danh sách nguyên mẫu không hài lòng về hình ảnh của mình trên bộ phim này.

Có thể thấy, Giáo sư Michiko là nguyên mẫu thứ 3 lên tiếng không hài lòng về nhân vật của mình trong phim Em và Trịnh. Trước đó, ca sĩ Khánh Ly và ca sĩ Thanh Thúy cũng đã phản ứng gay gắt về cách xây dựng hình tượng cũng như những chi tiết sai lệch về mối quan hệ của họ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim. Cụ thể, sau khi được một số người đã xem phim kể rằng, trong phim có những cảnh như Khánh Ly đút sữa chua cho ông ăn, đi tìm nhạc sĩ, ôm ông khi ông buồn... Nữ ca sĩ đã nhanh chóng khẳng định, bà chưa khi nào đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn. Giữa bà và cố nhạc sĩ không có tình yêu đôi lứa, bà luôn coi ông như một người cha, như một người chú. Không chỉ có ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy, người từng thành công với ca khúc Ướt mi cũng cho rằng bà bị xuyên tạc trên phim Em và Trịnh. Thanh Thúy không giấu được sự thất vọng khi trong phim, vai diễn về bà phải mặc áo sườn xám xuyên suốt, điều không đúng với sự thật lúc bấy giờ.

Nữ ca sĩ cũng khẳng định nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa bà về đến đầu ngõ. “Trước khi làm phim họ có nhờ một nhạc sĩ hỏi về trang phục của tôi lúc đó, tôi cũng nói hết. Vậy mà cuối cùng họ làm phim như thế. Tôi không hiểu được. Đó là một cô gái sành sỏi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý”, ca sĩ Thanh Thúy cho biết thêm.

Dòng phim khó nhằn

Điểm qua, gần đây nhất điện ảnh Việt có 4 phim đã và sắp ra mắt khán giả như Phượng Khấu về Thái hậu Từ Dụ; Em và Trịnh về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; Trưng Vương về Hai Bà Trưng và mới đây nhất là phim về Công tử Bạc Liêu.

Các dự án này có “mẫu số chung” là được đầu tư với mức kinh phí khủng, và các nhân vật đa phần đều nổi tiếng, thậm chí có sức ảnh hưởng lớn đối với lịch sử đất nước, cũng như đời sống văn hóa Việt. Phải khá khen cho nỗ lực của các ê kíp khi mạnh dạn dấn thân vào “lãnh địa” khó nhằn này, tuy nhiên rõ ràng những ý kiến trái chiều không hề khước từ một cái tên nào. Nhìn vào phim ảnh thế giới, dòng phim về nhân vật lịch sử có thật đã không còn xa lạ với công chúng, thậm chí một số phim còn trở thành một biểu tượng điện ảnh suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì vẫn còn khá bấp bênh, khi sự nổi tiếng ấy vẫn còn đi cùng với tai tiếng.

Những năm gần đây, phim ảnh Việt từng bước cố gắng mạnh dạn làm phim có chủ đề mới lạ hơn thay vì làm “phim an toàn” như trước. Tuy nhiên, với phim về thể loại các nhân vật có thật thì vẫn một “bài toán khó” với các nhà làm phim. Nhìn chung, thể loại này có thế mạnh về mặt sức hút truyền thông, tạo sự tò mò cho khán giả về những nhân vật có thật, nhưng cũng chính điều này sẽ tạo ra “con dao hai lưỡi” vì nếu hóa thân không tốt, rất dễ phá hỏng hình tượng nhân vật. Bên cạnh đó, so với các tác phẩm hiện đại, bộ phim về các nhân vật có thật trong lịch sử phải chịu áp lực về dàn dựng bối cảnh xưa, đây cũng là một “yếu điểm” của các nhà làm phim khi dễ dàng để lại “sạn” dưới mắt nhìn của khán giả.

Tuy nhiên, khó khăn nhất còn đến từ khâu tuyển chọn diễn viên, bởi những vai như Trịnh Công Sơn, Thái hậu Từ Dụ, công tử Bạc Liêu... đều là dạng vai khó, phần vì khán giả luôn so sánh khắt khe với nguyên mẫu. Đặc biệt là việc “hư cấu” câu chuyện của nhân vật để thêm chất điện ảnh, điều đã khiến nhiều người xem lẫn nhân vật ngoài đời thật “lắc đầu ngao ngán” vì cho rằng phim luôn “làm quá” hay thiếu tôn trọng sự thật. Và còn rất rất nhiều khó khăn khác mà các nhà làm phim phải bận tâm khi dấn thân vào dòng phim khó nhằn này.

Thực tế, việc chọn lối đi không ít gian nan cho thấy sự dũng cảm của các nhà làm phim Việt. Tuy nhiên, trước những lùm xùm trong thời gian qua đã khiến giới làm phim, cũng như công chúng ái ngại hơn. Rõ ràng, việc giải thích và xin lỗi được nhìn nhận như một động thái để “làm dịu” dư luận và tránh kiện tụng có thể xảy ra. Thế nhưng, đây là một bài học cần phải lưu ý cho những nhà làm phim sau này, một khi đã chọn những nhân vật nổi tiếng để khai thác thì cần hết sức cẩn trọng trong từng chi tiết. Đã đến lúc các nhà sản xuất cần có sự chuyên nghiệp về pháp lý, nhất là khi làm một tác phẩm có liên quan đến nhân vật có thật… Điều này không chỉ là việc làm đúng Luật mà còn là sự tôn trọng đối với các nhân vật. 

 THẢO MY

Ý kiến bạn đọc